Các di chứng viêm não ảnh hưởng khác nhau đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Phục hồi di chứng bằng biện pháp châm cứu, xoa bóp bấm huyệt giúp người bệnh có thể tự sinh hoạt, từng bước hòa nhập với xã hội và giảm gánh nặng cho gia đình.
Viêm não là một trong những bệnh lý thần kinh để lại nhiều di chứng từ nhẹ đến nặng.
Người bệnh viêm não sau khi điều trị tích cực ở giai đoạn cấp tính, một số bệnh nhân vẫn để lại di chứng ở các mức độ khác nhau như rối loạn vận động chân tay, rối loạn ý thức, nhận thức, động kinh và các bất thường hành vi…
Theo quan điểm y học cổ truyền, viêm não thuộc phạm trù ôn bệnh.
Các phương pháp điều trị y học cổ truyền sẽ bao gồm dùng thuốc thảo dược, các phương pháp châm cứu như hào châm, nhĩ châm, đầu châm, điện châm…, các phương pháp xoa bóp bấm huyệt và thực dưỡng theo y học cổ truyền.
Tùy theo các hội chứng bệnh y học cổ truyền, các phương pháp điều trị y học cổ truyền sẽ có các vị thuốc và huyệt vị thích hợp.
Châm cứu hỗ trợ phục hồi di chứng viêm não
Với hội chứng bệnh y học cổ truyền cân mạch thất dưỡng
Sử dụng phương pháp châm bổ hoặc cứu. Các huyệt thường được dùng sẽ nằm trên các đường kinh dương minh, thái dương, quyết âm ở tay và chân.
Cụ thể là các huyệt kiên ngung, khúc trì, hợp cốc, ngoại quan, hoàn khiêu, phục thố, túc tam lý, tuyệt cốt, thái xung, địa thương, giáp xa, dương bạch, ngư yêu.
Châm cứu huyệt kiên ngung, khúc trì… giúp hỗ trợ phục hồi di chứng viêm não.
Với hội chứng bệnh y học cổ truyền đàm trọc bế khiếu
Sử dụng phương pháp châm tả hoặc bình bổ bình tả, các huyệt bách hội, nhân trung, thần môn, nội quan, phong long, thiên đột, liêm tuyền, thông lý.
Phương pháp đầu châm: Các vùng vận động, vùng cảm giác, vùng phát âm.
Phương pháp nhĩ châm: Các huyệt thần môn, não, tâm, thận, dưới vỏ, nội tiết.
Ngoài ra, nếu người bệnh có các triệu chứng như nuốt khó, thất ngôn có thể châm các huyệt liêm tuyền, thông lý, giản sử.
Tinh thần đần độn có thể châm các huyệt bách hội, tứ thần thông, ấn đường, nội quan, thần môn.
Nếu người bệnh bí tiểu có thể sử dụng các huyệt trung cực, quy lai, khúc cốt, thủy tuyền, tam âm giao.
Nếu người bệnh ăn uống khó tiêu, bụng đầy trướng, có thể châm thêm quan nguyên, khí hải, túc tam lý, thiên xu.
Châm huyệt quan nguyên khi người bệnh viêm não có biểu hiện khó tiêu, bụng đầy trướng.
Xoa bóp bấm huyệt
Sử dụng các phương pháp xoa, day, lăn, ấn…vùng bị yếu liệt.
Ở tư thế ngồi
Xoa bóp vùng đầu mặt theo hướng từ huyệt ấn đường đến thần đình, bách hội, tứ thần thông, phong trì; từ huyệt đồng tử liêu đến địa thương, giáp xa; từ thiên trụ đến đại chùy, kiên tĩnh; sau đó xoa bóp quanh khớp vai theo đường kinh thủ dương minh đại trường, thủ thiếu dương tam tiêu, thủ thái âm phế hướng đến cổ tay.
Ở tư thế nằm sấp
Xoa bóp từ vùng lưng đến vùng xương cùng cụt, dọc theo đường đi của kinh túc thái dương bàng quang đến gót chân. Phối hợp bấm các huyệt như thận du, yêu dương quan, ủy trung.
Xoa bóp vùng lưng đến xương cùng cụt giúp người bệnh viêm não khắc phục di chứng.
Ở tư thế nằm ngửa
Xoa bóp dọc theo đường đi túc dương minh vị, túc thiếu dương đởm đến huyệt giải khê, huyền chung. Ngoài ra, phối hợp bấm các huyệt phục thố, túc tam lý, dương lăng tuyền, nội quan, thần môn, phong long.
Lưu ý khi thực hiện châm cứu, bấm huyệt
Để châm cứu đúng huyệt, đúng thời gian, người bệnh nên thực hiện châm cứu, bấm huyệt hỗ trợ phục hồi di chứng viêm não tại các cơ sở y tế uy tín, cán bộ y tế được đào tạo bài bản.
Trước khi châm cứu không nên ăn quá no.
Không thực hiện châm cứu, bấm huyệt cho người có thể trạng không chịu được đau hay không chịu được tác động của biện pháp.
Không thực hiện cho người có vết thương hở, lở loét, viêm nhiễm.
Đối với các trường hợp đặc biệt như mắc kèm theo bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc người bệnh đang trong giai đoạn tinh thần không ổn định… thì cần được thăm khám cụ thể trước khi tiến hành trị liệu.