Đến cuối năm 2023, Việt Nam có 7 triệu người mắc đái tháo đường. Trong đó có 55% số ca có xuất hiện biến chứng, 34% có biến chứng liên quan đến tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…).Vì vậy, đái tháo đường hiện nay là một trong những bệnh mạn tính không lây được nhiều người quan tâm.
Bên cạnh phương pháp điều trị đái tháo đường bằng thuốc uống hoặc thuốc tiêm thì dinh dưỡng cũng là một nền tảng quan trọng để kiểm soát đường huyết ổn định. Một chế độ ăn hợp lí, an toàn có thể giúp cho bệnh nhân đái tháo đường có thể giảm thiểu các biến chứng, hạn chế dùng thuốc, tránh kiệt sức vì kiêng khem quá mức và từ đó có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống lâu dài.

Những nguyên tắc chính trong dinh dưỡng cho bệnh đái tháo đường:
- Ăn đa dạng các nhóm thực phẩm: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế nhóm tinh bột đúng cách.
- Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thực phẩm (GI) thấp.
- Số lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn hợp lí.
- Ăn đủ 03 bữa chính và có 01 – 03 bữa phụ. Đặc biệt cần lưu ý 01 ăn phụ trước khi đi ngủ cho bệnh nhân có tiêm Insulin để tránh hạ đường huyết ban đêm.
- Ăn đúng giờ, không được bỏ cử.
Trong đó, việc nhận biết và lựa chọn các loại sản phẩm phù hợp với bệnh sẽ giúp chúng ta không phải kiêng khem quá nhiều trong sinh hoạt hằng ngày, từ đó có thể ăn được đa dạng thực phẩm. Để có thể nhận biết được thực phẩm nào tốt cho đường huyết, chúng ta có thể tham khảo qua chỉ số đường huyết thực phẩm (GI), được biết đến là khả năng làm tăng đường huyết sau ăn của một loại thực phẩm. Và điểm GI đạt dưới 55 được khuyến cáo có lợi cho đường huyết, ví dụ như: mận, ổi, bưởi, táo, nho, cam, quýt, lê, kiwi… hoặc các loại tinh bột như khoai mì, khoai môn, khoai sọ, yến mạch, bắp, nui, mì trứng, bún, phở,… Ngoài việc lựachọn, chúng ta cần quan tâm đến số lượng trong một lần ăn của các nhóm thực phẩm trong gợi ý trên.

Người bệnh đái tháo đường có thể làm quen với chất xơ, là một nhóm thực phẩm có số calo thấp, nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào cho hoạt động của cơ thể. Việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ ( rau xanh, trái cây) trong các bữa ăn chính và bữa ăn phụ có thể giúp chúng ta cảm thấy no lâu, làm chậm hấp thu đường vào máu, và có thể cải thiện được chỉ số đường huyết sau ăn. Đồng thời chúng ta có thể áp dụng thứ tự dùng thực phẩm trong bữa ăn như sau: rau, thịt/cá và cuối cùng là tinh bột nhằm tạo cảm giác no, từ đó giảm đi lượng bột đường tiêu thụ trong mỗi bữa ăn hằng ngày.

Một chế độ ăn có cách chế biến đơn giản, hạn chế chiên xào, nướng, hầm hoặc xay nhuyễn,.. là lựa chọn tốt nhất để kiểm soát lượng đường trong máu, mỡ máu và huyết áp. Điều quan trọng nữa là phải hạn chế các loại thức ăn và đồ uống có tác động tiêu cực đến việc kiểm soát lượng đường trong máu, chẳng hạn như đồ uống có đường, thực phẩm có đường, thực phẩm chế biến sẵn, kẹo, mứt, chè, bia rượu, nước ép trái cây, …

Cuối cùng là không quên vận động đều đặn mỗi ngày từ 30 phút trở lên để cơ thể năng động, giúp thuốc viên tác dụng tốt và lượng đường huyết ổn định.
Khoa Dinh dưỡng- tiết chế.
Theo nguồn: www.yhct.vn