Wednesday, January 22, 2025
spot_img

Cấy chỉ huyệt vị điều hòa khí huyết

Cấy chỉ Đông y (còn gọi là luồn chỉ, chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ, thắt buộc chỉ) là một phương pháp châm cứu kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, dùng chỉ phẫu thuật cấy vào trong các huyệt vị châm cứu tạo nên sự kích thích liên tục và lâu dài nhằm đạt mục đích phòng và chữa bệnh, nâng cao sức khỏe.

Giống như châm cứu, nhưng cấy chỉ có kim thô hơn châm cứu và đầu mũi kim cũng sắc hơn… Đây cũng là điểm khác biệt với châm cứu, do vậy người thầy thuốc cần giải thích cho bệnh nhân biết về phương pháp cấy chỉ để ổn định tư tưởng và phối hợp với thầy thuốc trong khi tiến hành cấy chỉ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc cùng tìm hiểu về phương pháp này.

Cấy chỉ điều tiết tạng phủ, khí huyết

Trong YHCT phương Đông, cấy chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt có tác dụng điều khí làm cho khí huyết lưu thông, điều hòa công năng các tạng phủ, lập lại cân bằng âm dương tiêu trừ bệnh tật.

Theo các tác giả Trung Quốc phương pháp cấy chỉ là sản phẩm kết hợp của châm cứu và y học hiện đại. Tổng thể quá trình thao tác của liệu pháp này, trên thực tế sẽ tạo ra 2 hiệu ứng gồm hiệu ứng kích thích vật lý (Phong bế huyệt vị) và hiệu ứng kích thích hóa học để bộ phận nhiễm bệnh được điều chỉnh và khôi phục. Các loại phản ứng kích thích được dung hợp, hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát huy tác dụng điều tiết tạng phủ, khí huyết dẫn đến hiệu quả trị liệu.

Cấy chỉ giúp khí huyết lưu thông, điều hoà công năng.

Cấy chỉ áp dụng và phát triển tại nhiều quốc gia

Phương pháp cấy chỉ được biết sớm nhất ở Trung Quốc từ thời cổ xưa với tên gọi liệu pháp Chôn trong Đông y, khi đó người ta dùng lông đuôi ngựa hoặc sợi cây cọ cấy vào trong huyệt vị để duy trì thời gian kích thích, nâng cao hiệu quả trị liệu.

Trên cơ sở thừa kế và cải tiến phương pháp châm lưu kim dưới da đã sáng tạo ra phương pháp cấy chỉ catgut. Thời kỳ đầu quân y Trung Quốc sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn. Hiện nay, ngoài Trung Quốc liệu pháp này đã được áp dụng và phát triển tại Ấn Độ, Myanmar, Singapore, Malaysia, Hungary, Pháp, Nga, Ba lan, Mỹ, Ukraina, Đức…

Ở Việt Nam, phương pháp cấy chỉ đã được nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng để điều trị nhiều chứng bệnh như: đau thắt lưng, đau thần kinh tọa, viêm phế quản, hen phế quản, viêm loét dạ dày, mất ngủ, động kinh ở trẻ em…

Phương pháp cấy chỉ trong điều trị

Bệnh nội khoa: viêm phế quản, hen phế quản, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, viêm dạ dày mạn tính, tiểu đường, giảm béo, viêm khớp, đau đầu, đau dây thần kinh V, liệt dây thần kinh VII, liệt nửa người, động kinh, tự kỷ, tâm thần phân liệt…

Bệnh nam khoa: chứng bất lực, xuất tinh sớm, di tinh, viêm tuyến tiền liệt…

Bệnh phụ khoa: kinh nguyệt không đều, tử cung xuất huyết chức năng, thống kinh, bế kinh, viêm tuyến vú, viêm phần phụ…

Bệnh nhi khoa: co giật, điếc, lác, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đái dầm…

Bệnh da liễu: mụn nhọt, nổi mề đay, mụn trứng cá…

Bệnh ngũ quan: chắp lẹo, cận thị, đục thể thủy tinh, sụp mi, viêm mũi xoang, viêm amidal, ù tai…

Chống chỉ định với trường hợp: người bệnh mệt mỏi, đang đói hoặc mới ăn no, đang sốt cao; Phụ nữ có thai không cấy chỉ vùng bụng và các huyệt hợp cốc, tam âm giao, phụ nữ có tiền sử lưu sản; Người có cơ địa dễ xuất huyết; Người có bệnh tim nặng (suy tim).

Các huyệt thần khuyết, nhũ trung không thể cấy chỉ.

Quy trình cấy chỉ:

Xác định và đánh dấu vị trí huyệt cần cấy chỉ; Khử trùng thông thường bằng cồn 70o (lấy điểm châm kim làm trung tâm để khử trùng).

Người thầy thuốc dùng ngón tay cái hoặc trỏ của bàn tay trái bấm vào vùng huyệt cần cấy chỉ, tay phải dùng 3 ngón tay cái, ngón trỏ và ngón đeo nhẫn cầm đốc kim đã luồn chỉ catgut châm kim nhanh qua da vào huyệt vị, tiến kim từ từ khi người bệnh có cảm giác tê tức thì dừng kim, đẩy thông nòng cho đoạn chỉ vào trong huyệt; rút kim ra nhanh và vô khuẩn lại chỗ cấy chỉ, dùng bông gòn ấn chặt để phòng chảy máu nhiều nơi châm kim.

Liệu trình cấy chỉ

Tùy theo bệnh tật, mức độ bệnh, khả năng chịu đựng của người bệnh mà chọn liệu trình cho phù hợp. Thông thường bệnh cấp tính hoặc bán cấp tính có thể tiến hành cấy chỉ 7-10 ngày 1 lần, 2-3 lần là 1 liệu trình; người bệnh mạn tính từ 15-30 ngày 1 lần, 3-5 lần là 1 liệu trình. Đối với người bị bệnh rất nặng thì 10 lần là 1 liệu trình. Sau 1 liệu trình có thể nghỉ 1 thời gian nhất định, thông thường là thời gian của 1-2 lần cấy chỉ.

Người bệnh cần nghỉ 30 phút sau khi cấy chỉ mới được di chuyển để tránh phản ứng sau thủ thuật, nếu có bất thường sẽ kịp thời xử lý; trong vòng 6 giờ không được tiếp xúc với nước, phải tránh gió lạnh, ăn uống thanh đạm, kiêng rượu bia, thuốc lá, hải sản và các thực phẩm cay nóng gây kích ứng

1 – 2 ngày sau khi cấy chỉ, thậm chí 4-5 ngày sau đó có thể đau tức khó chịu ở một vài vị trí cấy chỉ, triệu chứng này là bình thường, nghỉ ngơi sẽ hết. Nếu chỗ cấy chỉ sưng, nóng, đỏ đau nhiều, phát sốt cao hoặc toàn thân phát ngứa thì phải đến gặp bác sĩ điều trị để xử trí kịp thời.

ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

0FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

Latest Articles